0919.120281

Tin tức

Ung thư dạ dày

PGS.TS Phạm Duy Hiển

Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện K, chuyên gia cao cấp về ung thư học và phẫu thuật tiêu hóa: dạ dày, thực quản, đại trực tràng…

  • Dạ dày quan trọng như thế nào.
  • Tình hình mắc bệnh ung thư dạ dày trên Thế giới và Việt Nam.
  • Nhóm nguy cơ: Ngoại sinh và Nội sinh.
  • Những biểu hiện của ung thư dạ dày.
  • Phát hiện và Chẩn đoán ung thư dạ dày.
  • Phương pháp điều trị ung thư dạ dày.
  • Phòng bệnh ung thư dạ dày.

         

DẠ DÀY QUAN TRỌNG NHƯ THẾ NÀO ?

Dạ dày là đoạn phình to nhất của ống tiêu hóa. Dạ dày nối thông phía trên với thực quản, phía dưới với ruột non qua hành tá tràng và tá tràng. Nghĩa là thức ăn từ miệng qua thực quản rồi xuống dạ dày. Tại dạ dày, thức ăn được tiêu hóa cả bằng cơ học và bằng các chất men do dạ dày tiết ra như: axit HCL (a-xit Cholohydric), Pepsin (men tiêu đạm)…

Dạ dày nhào trộn thức ăn như một cái “máy xay sinh tố”, thức ăn chuyển dạng thành dưỡng chấp, khi đó thức ăn mới chuyển xuống hành tá tràng, tá tràng rồi mới xuống ruột non. Như vậy, dạ dày vừa là nơi lưu trữ và là nơi tiêu hóa thức ăn.

Dạ dày ngăn cách với thực quản phía trên bởi cơ tâm vị và phía dưới với hành tá tràng bởi cơ môn vị. Cả về hình thể cũng như chức năng dạ dày được chia làm 3 phần: 1/3 trên, 1/3 giữa và 1/3 dưới.

Dạ dày nằm hoàn toàn trong ổ bụng. Nếu dùng hai đường thẳng vuông góc với nhau tại rốn, một đường thẳng từ mũi ức xuống và một đường ngang qua cơ thể chia bụng làm 4 phần:  1/4 trên phải, trên trái, dưới phải và dưới trái. Dạ dày chủ yếu nằm ở 1/4 trên trái, hành tá tràng và tá tràng nằm ở 1/4 trên phải. Vùng giữa 1/4 trên phải và 1/4 trên trái gọi là vùng thượng vị.

Thành dạ dày được cấu tạo bởi 5 lớp: lớp niêm mạc, lớp dưới niêm mạc, lớp cơ (gồm lớp cơ vòng và lớp cơ dọc) lớp dưới thanh mạc và lớp thanh mạc. Ung thư dạ dày có thể xuất phát bất kỳ lớp nào của dạ dày. Tùy thuộc ung thư xuất phát từ lớp nào mà có các biểu hiện lâm sàng khác nhau, yếu tố nguy cơ khác nhau và có các phương thức điều trị cũng như tiên lượng sống khác nhau.

Trong khuôn khổ bài này, chúng ta chỉ tìm hiểu ung thư dạ dày xuất phát từ lớp niêm mạc dạ dày, vì trên 95% ung thư dạ dày nói chung xuất phát từ lớp này. Và khi nói đến ung thư dạ dày, người ta nghĩ ngay đến loại ung thư này.

Niêm mạc dạ dày là lớp phủ toàn bộ mặt trong của dạ dày. Các tế bào của lớp này có chức năng tiết chế các chất nhầy, các chất men tiêu hóa như: HCL, Pepsin… và được gọi chung là tế bào biểu mô tuyến. Khi ung thư xuất phát từ đây được gọi là ung thư biểu mô tuyến dạ dày hay ung thư dạ dày.

Tế bào lớp niêm mạc dạ dày được phủ bởi một lớp nhầy chắc chắn để không bị tổn thương do thức ăn hoặc các chất có pH hoặc quá kiềm hoặc quá a-xít do ta ăn vào gây nên. Có một số yếu tố nguy cơ có thể làm tan chất nhầy này, làm mất khả năng bảo vệ lớp tế bào niêm mạc. Lớp nhầy này bị tổn thương dẫn đến lớp tế bào niêm mạc bị tổn thương, đây là sự khởi đầu của nhiều loại bệnh lý của dạ dày nói chung trong đó có ung thư dạ dày.

TÌNH HÌNH MẮC BỆNH UNG THƯ DẠ DÀY TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

Theo tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu, ung thư dạ dày có xu hướng giảm rõ rệt ở Bắc Mỹ và Tây Âu nhưng vẫn gia tăng ở các nước đang phát triển. Tại Hoa Kỳ, năm 2013 có 21.000 trường hợp mới được chẩn đoán và 10.990 người chết vì bệnh này. Nó được xếp vào hàng thứ 4, thứ 5 trong mười bệnh ung thư thường gặp vào những năm sau thế chiến thứ 2, nhưng hiện nay nó chỉ xếp hàng thứ 16, 17 trong 20 ung thư thường gặp ở Mỹ.

Ở các nước châu Âu và các nước phát triển khác ngoại trừ Nhật Bản, ung thư dạ dày không nằm trong số 10 bệnh ung thư thường gặp. Đối với phần còn lại của thế giới, ung thư dạ dày vẫn đứng hàng thứ 2, 3 sau ung thư phổi hoặc ung thư gan.

Nhật Bản là quốc gia có thỉ lệ mắc ung thư dạ dày cao nhất thế giới nhưng tỉ lệ tử vong được cải thiện tốt nhất trong những năm gần đây. Tỉ lệ mắc cao sau Nhật Bản là Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam…. Cũng theo ghi nhận của tổ chức ung thư toàn cầu, Việt Nam có trên 16.000 trường hợp mới được chẩn đoán và trên 11.000 trường hợp tử vong vì ung thư dạ dày vào năm 2013. Ung thư dạ dày đứng hàng thứ 2 ở nam giới, sau ung thư phổi và thứ năm ở nữ giới sau ung thư vú, cổ tử cung, phổi, gan, trực tràng.

Các nước khác nhau có tỉ lệ mắc ung thư dạ dày khác nhau, nhưng các chủng người khác nhau, dân các vùng địa lý khác nhau trong cùng một nước cũng có tỷ lệ mắc bệnh khác nhau. Điều đó gợi ý vai trò nhân chủng học, tập quán sống và yếu tố môi trường đóng vai trò quan trọng trong nguyên nhân sinh bệnh học của ung thư dạ dày. Cho đến nay, giới nghiên cứu vẫn chưa biết chắc chắn nguyên nhân gây ung thư dạ dày nên người ta chỉ nói đến các yếu tố nguy cơ.

NHÓM NGUY CƠ: NGOẠI SINH VÀ NỘI SINH

Những yếu tố nguy cơ ngoại sinh

Các yếu tố nguy cơ ngoại sinh đầu tiên người ta nói là chế độ ăn uống. Chế độ ăn nhiều muối (ăn mặn, ăn trên 5gr muối/ ngày) không chỉ có tác hại với tim mạch mà ăn mặn còn làm tan các chất nhầy phủ trên niêm mạc dạ dày làm cho các chất độc, các chất có khả năng gây ung thư có trong thức ăn tiếp xúc trực tiếp với các tế bào niêm mạc gây tổn thương các tế bào đó. Người ta thấy tỉ lệ giảm ung thư dạ dày ở các nước Âu-Mỹ có liên quan đến phương pháp bảo quản thịt, cá từ ướp muối sang tủ lạnh; các dân tộc có thói quen ăn dưa muối, cà muối…

Một số nơi có thói quen ăn thịt rán, thậm chí rán nhiều lần, dùng dầu mỡ đã cháy rán lại. Dân ở những vùng này có tỉ lệ ung thư cao hơn dân cư các vùng khác, nhất là ung thư dạ dày. Nhiệt độ cao có thể biến các chất không gây ung thư thành các chất gây ung thư, ngay cả dầu rán và mỡ.

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ở các nước đang phát triển ngay như Việt Nam là một vấn nạn. Thực phẩm còn dư lượng cao các chất thuốc trừ sâu, kích thích tăng trưởng, tăng trọng, nhất là thuốc bảo quản thực phẩm… không chỉ gây ngộ độc thực phẩm ngay trước mắt mà về lâu dài rất nhiều khả năng gây ung thư cho người dùng thường xuyên với liều không gây nhiễm độc cấp.

Hút thuốc lá không chỉ liên quan đến ung thư phổi mà còn liên quan đến rất nhiều loại ung thư khác nhau, trong đó có ung thư dạ dày. Hút thuốc và béo phì làm tăng tỉ lệ ung thư 1/3 trên dạ dày đã được ghi nhận ở các nước phát triển. Trong những năm gần đây, số liệu nghiên cứu của các bệnh viện ở Việt Nam cho thấy, tỉ lệ ung thư 1/3 trên dạ dày tăng lên. Tỉ lệ người hút thuốc lá ở nước ta cao vào hàng nhất nhì thế giới và không có dấu hiệu giảm, thậm chí giới trẻ có xu hướng tăng. Vai trò của hút thuốc thụ động không khác, thậm chí còn nguy hiểm hơn hút thuốc chủ động. Không có loại thuốc lá nào mà không độc hại kể cả thuốc lá điện tử.

Mối quan hệ khăng khít giữa khút thuốc với ung thư dạ dày được nhiều tác giả thừa nhận. Uống rượu nặng thường xuyên và nghiện rượu là nguyên nhân xơ gan, ung thư gan nhưng không được chứng minh có liên quan chặt chẽ với ung thư dạ dày. Chế độ ăn thiếu rau xanh, hoa quả tươi, các Vitamin C, A, E… cũng là yếu tố thuận lợi cho ung thư dạ dày.

Yếu tố nhiễm trùng: Xoắn khuẩn HP (Helicobacter Pylory) được xem là yếu tố nguy cơ lớn nhất của ung thư dạ dày đặc biệt là ung thư dạ dày 1/3 dưới tức là ung thư vùng hang môn vị, loại ung thư thường gặp nhất ở Việt Nam. Có lẽ xoắn khuẩn HP là loại vi trùng duy nhất sống được trong môi trường dạ dày nơi có đậm độ a-xít HCL rất cao với pH lúc đói đạt tới 2,5. Người ta đã nghiên cứu và thấy rằng HP chui sâu vào lớp nhầy của niêm mạc dạ dày đồng thời tiết ra các chất làm trung hòa a-xít HCL cũng như làm tan chất nhầy. Qua đó HCL, Pepsin và các men của HP cũng như các chất gây ung thư tiếp xúc trực tiếp với các tế bào lớp niêm mạc dạ dày gây tổn thương chúng.

Viêm teo niêm mạc, viêm niêm mạc dị sản týp ruột là những tổn thương điển hình của niêm mạc dạ dày do HP gây nên. Một số tác giả coi viêm niêm mạc dạ dày dị sản týp ruột là tiền ung thư. Tỉ lệ nhiễm HP ở các nước đang phát triển, như Việt Nam chẳng hạn, tăng dần theo tuổi, từ 60 tuổi trở lên có tới 85% dân số nhiễm HP.

HP có rất nhiều chủng loại khác nhau nhưng chúng mang gien CagA có khả năng gây bệnh cao nhất và chúng chiếm tỉ lệ không lớn trong gia đình nhà HP. Tỉ lệ nhiễm HP ở các nước phát triển rất thấp chỉ từ 0- 5%. HP được lây truyền trực tiếp qua đường tiêu hóa bởi thức ăn, tay nhiễm HP không rửa trước khi ăn. HP đáp ứng tốt với điều trị bằng kháng sinh phối hợp.

Các nước đang phát triển có tỉ lệ mắc những ung thư liên quan đến yếu tố nhiễm trùng cao hơn các nước phát triển như: ung thư dạ dày, ung thư tế bào gan…

Những yếu tố nội sinh

Vai trò của các yếu tố nội sinh chỉ chiếm giữ khoảng 20% trong các yếu tố nguy cơ mắc ung thư nói chung và với ung thư dạ dày nói riêng. Nhưng phải hiểu là yếu tố nội sinh giữ vai trò quyết định. Trong các trường hợp yếu tố ngoại sinh tác động với cường độ mạnh, thời gian tác động dài nhưng nếu các yếu tố nội sinh không song hành thì bệnh sẽ không xuất hiện. Ngược lại, khi đã có các yếu tố nội sinh thì dù các yếu tố ngoại sinh tác động không mạnh lắm, thời gian có thể không dài lắm, bệnh vẫn xuất hiện.

Yếu tố gien di truyền: Cho đến nay vẫn không có chứng minh nào khẳng định có gien di tuyền ung thư dạ dày. Tuy nhiên, yếu tố gia đình được nhắc  tới như là một yếu tố nguy cơ nội sinh. Tùy theo báo cáo, có từ 1-3% ung thư dạ dày có liên quan đến yếu tố gia đình. Một khái niệm được thừa nhận đó là, những người được thừa hưởng một “hệ thống gien dễ bị tổn thương” từ gia đình sẽ có tỉ lệ ung thư cao hơn. Những người này không cần những yếu tố ngoại sinh tác động quá mạnh và quá dài vẫn có thể xuất hiện bệnh. Điều này được gợi ý bởi chủng tộc khác nhau có tỉ lệ mặc bệnh khác nhau, cũng có điều kiện sống như nhau nhưng có người mắc ung thư, có người không. Người Mỹ da màu có tỉ lệ ung thư cao hơn người Mỹ da trắng. Và nam giới luôn có tỉ lệ mắc cao hơn nữ giới từ 1,5- 2 lần.

Những người đã có tiền sử cắt đoạn dạ dày vì bệnh lành tính thời gian càng dài khả năng mắc ung thư dạ dày phần còn lại càng cao. Sau 10 năm gấp 1,5 lần người bình thường, cứ thêm 5 năm khả năng ung thư tăng thêm 0,5 lần nữa.

Các đột biến gien: Những người trong gia đình có người hoặc bản thân bị bệnh đa polyp gia đình có khả năng ung thư dạ dày. Những bệnh nhân này có đột biến gien APC. Các đột biến gien nói chung là cội nguồn của mọi bệnh ung thư mà ung thư dạ dày không phải là ngoại lệ. Đột biến gien CDH1, gien P53, P73… đang thu hút các nhà nghiên cứu nhằm phòng bệnh, điều trị bệnh ung thư dạ dày trong tương lai.

Như vậy có thể hiểu rằng, các yếu tố ngoại sinh tác động vào hệ thống gien và gây đột biến, nếu hệ thống gien bền vững hoặc sửa chữa kịp thời các đột biến đó thì bệnh không xuất hiện. Nếu cắt kịp thời những tác động của các yếu tố ngoại sinh trước khi đột biến gien không sửa chữa được xẩy ra thì bệnh cũng không xuất hiện. Điều đó cũng có nghĩa là cũng có rất nhiều đột biến đã được sửa chữa kịp thời. Thời gian từ khi đột biến đến khi đột biến không sửa chữa được có thể kéo dài hàng nhiều năm. Và từ khi đột biến không sửa chữa được đến khi bệnh biểu hiện kéo dài 10-15 năm và gọi là thời kỳ “tiền lâm sàng”. Vì vậy, bệnh thường được chẩn đoán ở tuổi từ 40 trở lên và đỉnh cao thường gặp ở khoảng tuổi 50- 65. Nếu được phát hiện thời điểm này, bệnh ung thư dạ dày được chữa khỏi hoàn toàn với các biện pháp rất đơn giản và không hề tốn kém.

 

NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA UNG THƯ DẠ DÀY

Như phần trên đã trình bày, ung thư dạ dày không bao giờ xuất phát từ một niêm mạc dạ dày lành mạnh. Các yếu tố nguy cơ ngoại sinh gây nên các tổn thương – viêm niêm mạc dạ dày từ nông đến sâu và nặng nhất là viêm teo, dị sản týp ruột. Vì vậy triệu chứng ban đầu là triệu chứng viêm niêm mạc dạ dày rất mơ hồ, không đặc hiệu như: đau âm ỉ vùng thượng vị, ậm ạch khó tiêu, hay đầy bụng, đau bụng có hoặc không phụ thuộc vào thời tiết hoặc no hay đói.

Lúc đầu các triệu chứng chỉ thỉnh thoảng mới xuất hiện, dần dần chúng xuất hiện thường xuyên hơn. Càng muộn các triệu chứng càng nặng và kèm theo tình trạng gầy sút cân rõ (mất 5-6 kg trong vòng 6 tháng), hẹp môn vị (nôn thức ăn sau 2-3 giờ hoặc nôn thức ăn bữa trước), sờ thấy u vùng thượng vị, nôn ra máu, đại tiện phân đen hoặc sờ thấy hạch thượng đòn trái…. Vì vậy, cần thận trọng với chẩn đoán lâm sàng: viêm niêm mạc dạ dày hay đau dạ dày, hội chứng dạ dày tá tràng… mà không được chẩn đoán nội soi sinh thiết. Rất nhiều bệnh nhân “tự chữa” hoặc được chữa bởi các bài thuốc “dân gian” với các chẩn đoán trên. Đây là một sai lầm nguy hiểm. Ngoài ra, bệnh nhân ung thư dạ dày thường có triệu chứng thiếu máu ngày càng rõ như: da xanh, niêm mạc nhợt do chảy máu từ khối u.

PHÁT HIỆN VÀ CHẨN ĐOÁN UNG THƯ DẠ DÀY

Khám sàng lọc phát hiện ung thư dạ dày sớm

Những quốc gia có tỉ lệ mắc ung thư dạ dày cao nhưng có tiềm lực kinh tế tốt như: Nhật Bản, Hàn Quốc sàng lọc phát hiện “ung thư dạ dày sớm” được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia. Nhờ vậy, tỉ lệ tử vong được cải thiện rõ rệt trong vòng 20- 30 năm vừa qua. Với “ung thư dạ dày sớm” – tức là ung thư mới chỉ ở lớp niêm mạc hoặc chỉ giới hạn ở lớp dưới niêm mạc mà không quan tâm đã có di căn bạch huyết hay chưa thì tỉ lệ chữa khỏi đạt trên 95%. Trong khi tỉ lệ “ung thư dạ dày sớm” ở các nước này được phát hiện đạt tới 65- 70% ung thư dạ dày nói chung thì ở Việt Nam con số này chỉ là 15- 20% (theo các báo cáo của các bệnh viện lớn). Phần còn lại đến viện đã ở giai đoạn không sớm, khiến cho việc điều trị rất phức tạp mà kết quả vẫn rất hạn chế.

Phát hiện “ung thư dạ dày sớm” chỉ có thể thực hiện được nhờ sự trợ giúp của nội soi dạ dày ống mềm. Những người có hội chứng dạ dày tá tràng, viêm dạ dày mãn tính, đau bụng mãn tính, nhất là khi có các yếu tố nguy cơ kể trên không được “tự động” điều trị khi chưa có kết luận của nội soi dạ dày tá tràng.

Hiện nay, các bệnh viện đa khoa tỉnh và nhiều trung tâm y tế huyện đã được trang bị nội soi dạ dày ống mềm, tuy nhiên chất lượng chẩn đoán vẫn còn hạn chế. Vấn đề tập huấn nâng cao khả năng chuyên môn cho các bác sĩ nội soi cũng đã và đang được các bệnh viện tuyến trên quan tâm.

Nhận định tổn thương ung thư dạ dày giai đoạn sớm qua nội soi ống mềm không đơn giản, nhất là sinh thiết đúng tổn thương luôn yêu cầu các bác sỹ có kinh nghiệm. Nhiều trường hợp còn cần phải phối hợp với nội soi có nhuộm màu niêm mạc dạ dày mới có thể sinh thiết đúng tổn thương.

Khi tổn thương đã rõ, trung bình bác sĩ nội soi cũng phải bấm sinh thiết 6-8 mảnh bệnh phẩm, khi tổn thương còn nghi ngờ phải bấm 10- 12 mảnh mới đủ để kết luận có ung thư không và ung thư giai đoạn mấy. Tuy nhiên, việc mô tả tổn thương của bác sĩ nội soi cũng vô cùng quan trọng. Tổn thương ung thư thường có bờ gồ cao, nham nhở, khi chạm dễ chảy máu, đáy ổ loét thường có chất hoại tử, xung quanh ổ loét là một vùng nhiễm cứng. Ở bệnh nhân Việt Nam, ổ loét thường gặp ở vùng 1/3 dưới (vùng hang môn vị và bờ cong nhỏ dạ dày). Chỉ có khoảng 15- 20% gặp 1/3 giữa và 1/3 trên của dạ dày – nơi mà các bác sĩ nội soi phải có kinh nghiệm mới quan sát và sinh thiết được, đặc biệt là vùng nối dạ dày với thực quản.

Hiện nay, một số trung tâm y tế lớn của ta đã được trang bị máy nội soi ống mềm siêu âm. Với thiết bị này, ngoài việc quan sát được các tổn thương như trên, siêu âm cho phép quan sát được vùng bị tổn thương rộng bao nhiêu, đặc biết  sâu vào từng lớp của thành dạ dày. Cũng nhờ có siêu âm các hạch bạch huyết, các tạng xung quanh dạ dày như: tụy, gan, đại tràng… tế bào ung thư xâm nhập được quan sát. Vì thế, có thể qua nội soi siêu âm, người bác sĩ có thể xếp được giai đoạn của bệnh ung thư dạ dày.

Vậy ung thư dạ dày tiến triển qua mấy giai đoạn ?

          Sau khi nội soi sinh thiết hoặc nội soi siêu âm sinh thiết mảnh bệnh phẩm được gửi đến các bác sĩ mô bệnh học xử lí qua các khâu chuyên biệt rồi làm thành các tiêu bản và nghiên cứu dưới kính hiển vi. Kết luận của mô bệnh học được coi là “tiêu chuẩn vàng”. Chỉ những bệnh nhân được “mô bệnh học” xác định là ung thư mới được coi là mắc bệnh ung thư.

Bệnh nhân được đánh giá toàn diện xem hạch bạch huyết xung quanh dạ dày, các tạng như: gan, tụy, đại tràng, phổi, não, xương có bị ung thư xâm lấn hay di căn không bằng các phương pháp như: siêu âm ổ bụng, CT.Scanner, MRI… Dựa trên các dữ liệu đó người ta xếp ung thư dạ dày từ sớm nhất đến muộn nhất làm 5 giai đoạn: O, I, II, III và IV theo bảng xếp giai đoạn của tổ chức chống ung thư quốc tế (UICC). Để đáp ứng yêu cầu “cá thể hóa” điều trị, người ta còn chia nhỏ thành các giai đoạn nhỏ hơn như: Ia, Ib; IIa, IIb… Ứng với mỗi giai đoạn đó có một phác đồ điều trị riêng.

Hiện nay có nhiều bảng phân giai đoạn cùng tồn tại và cùng được ứng dụng. Trên lâm sàng, bảng xếp giai đoạn của Dukes cải tiến được ứng dụng nhiều ở Việt Nam. Theo bảng phân loại này, ung thư dạ dày có 4 giai đoạn A, B, C, D. Giai đoạn A khi tế bào ung thư xâm lấn lớp niêm mạc hoặc đã đến lớp dưới niêm mạc, giai đoạn B khi xâm lấn đến lớp thanh mạc nhưng chưa có di căn hạch. Giai đoạn C không cần xem xét ung thư xâm lấn đến lớp nào nhưng đã có hạch di căn. Giai đoạn D cũng không cần xem xét ung thư xâm lấn đến đâu, có di căn hạch chưa, nhưng đã có di căn xa (gan, phổi, xương, não) một ổ hay nhiều ổ.

 

PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ UNG THƯ DẠ DÀY

            Điều trị ung thư dạ dày hiện nay ra sao? Điều trị ung thư dạ dày và kết quả điều trị ung thư dạ dày phụ thuộc phần lớn vào giai đoạn bệnh và sau đó là thể trạng người bệnh.

Phẫu thuật cắt bỏ rộng rãi phần dạ dày bị ung thư, vét sạch mỡ và các hạch bạch huyết xung quanh dạ dày là phương pháp điều trị quan trọng nhất. Nếu ung thư mới chỉ xâm nhập lớp niêm mạc hoặc chỉ mới đến lớp dưới niêm mạc – ung thư dạ dày sớm, vấn đề điều trị rất đơn giản. Ở Nhật Bản, Hàn Quốc người ta chỉ cắt niêm mạc dạ dày (nếu ung thư không loét, không lớn hơn 2cm) hoặc cắt cả dưới niêm cùng một khối qua nội soi ống mềm có hay không sự trợ giúp nội soi ổ bụng. Cắt dạ dày hình chêm lấy bỏ tổn thương ung thư, kiểm tra hạch bạch huyết bằng mổ nội soi ổ bụng hoặc mổ mở kinh điển. Nếu diện cắt dạ dày, hạch bạch huyết không có tế bào ung thư thì quy trình điều trị ung thư dạ dày đã hoàn chỉnh.

Ở Việt Nam, những kỹ thuật này hiện nay chưa được phổ biến nên các bác sĩ vẫn áp dụng cắt bán phần dạ dày và vét hạch. Kết quả điều trị bệnh ở giai đoạn này rất tốt, 90-95% khỏi bệnh. Giai đoạn B cắt dạ dày gần toàn bộ hoặc toàn bộ phụ thuộc vào vị trí của khối u 1/3 dưới, 1/3 giữa hay 1/3 trên. Kiểm tra vét được > 15 hạch mà các hạch không bị di căn và tế bào ung thư biệt hóa hoặc biệt hóa cao coi như điều trị xong. Cần điều trị hóa chất bổ trợ sau mổ cho bệnh nhân có tế bào ung thư kém biệt hóa, tế bào nhẫn hoặc chế nhầy. Giai đoạn C bắt buộc điều trị hóa chất bổ trợ sau mổ (giai đoạn đã có di căn hạch). Hiện nay với giai đoạn C, tế bào ung thư vượt qua lớp thanh mạc, có nhiều hạch di căn, tiên lượng cuộc mổ khó khăn, nhiều trung tâm kể cả ở Việt Nam áp dụng điều trị hóa chất trước mổ. Phối hợp hóa trị và xạ trị đồng thời cho các trường hợp này cũng đang được nghiên cứu và cho kết quả khả quan.

Nhìn chung, ung thư đã có di căn vào hạch chỉ có 20-30% sống quá 5 năm nếu được điều trị hóa chất phối hợp, nếu xâm lấn các tạng xung quanh mà cắt bỏ được và cũng có hóa chất bổ trợ chỉ có 15-20%. Nếu đã di căn xa vào gan, não, phổi… hầu như không có bệnh nhân nào qua khỏi 5 năm.

Điều trị ung thư giai đoạn muộn chủ yếu nhằm kéo dài thời gian và chất lượng sống cho người bệnh được gọi là điều trị chăm sóc giảm nhẹ. Vẫn có thể phẫu thuật dù không lấy hết tổ chức ung thư nhưng ung thư đe dọa tính mạng người bệnh như ung thư gây chảy máu nặng; nối vị tràng nếu ung thư gây hẹp môn vị hoặc mở thông dạ dày, mở thông hỗng tràng nuôi dưỡng khi ung thư gây cản trở đường nuôi dưỡng tự nhiên. Hóa trị đơn thuần hay phối hợp xạ trị, gần đây còn phối hợp với điều trị đích cho giai đoạn D đang được nghiên cứu.

PHÒNG BỆNH UNG THƯ DẠ DÀY

Vì nguyên nhân trực tiếp gây ung thư dạ dày chưa được khẳng định nên đề phòng bệnh ung thư là đề phòng các yếu tố nguy cơ như đã được trình bày ở trên. Điều quan trọng là khám định kỳ với những người có yếu tố gia đình, những người đã gặp các yếu tố nguy cơ (đã bị phơi nhiễm), những người có triệu chứng “viêm dạ dày tá tràng” không được “tự điều trị”.

Khám phát hiện ung thư dạ dày, nhất là ung thư dạ dày sớm chỉ được (phải được) khám bằng nội soi ống mềm với sinh thiết nhiều mảnh. Luôn đề phòng với kết quả mô bệnh học “không thấy tế bào ung thư” vì có thể sinh thiết không đúng chỗ, mảnh sinh thiết quá nhỏ hoặc bấm sinh thiết không đủ số lượng. Cần phải cảnh báo rằng không ít người bệnh đã bị “bỏ sót” tổn thương ung thư mặc dù được khám nội soi sinh thiết ống mềm. Kết luận không có tế bào ung thư dù đúng nhưng chỉ có giá trị trong khoảng thời gian 6 tháng đến 1 năm. Nếu dấu hiệu lâm sàng tái xuất hiện lại phải đi khám.

Tin Liên Quan